Nông dân xã Hải Lệ thi đua sản xuất kinh doanh giỏi

Thứ năm - 16/02/2023 22:47
QTO - Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” thời gian qua được Hội Nông dân xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị triển khai sâu rộng và nâng cao về chất lượng, thu hút đông đảo cán bộ, hội viên nông dân hưởng ứng tham gia. Qua phong trào đã tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhiều nông dân, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thúc đẩy phát triển KT-XH, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở địa phương.
Mô hình chăn nuôi gà VietGAP giúp gia đình bà Tịnh có nguồn thu nhập ổn định - Ảnh: K.S
Mô hình chăn nuôi gà VietGAP giúp gia đình bà Tịnh có nguồn thu nhập ổn định - Ảnh: K.S

Trong năm qua, gia đình bà Nguyễn Thị Tịnh ở thôn Tích Tường được Hội Nông dân xã hỗ trợ kinh phí 20 triệu đồng để chăn nuôi gà VietGAP.

Từ chăn nuôi gà với quy mô 100 con/lứa theo phương thức truyền thống, gia đình bà chuyển đổi sang chăn nuôi gà VietGAP với quy mô 500 con/lứa. Chỉ sau một thời gian ngắn, đàn gà của gia đình bà sinh trưởng tốt, bình quân mỗi con đạt trọng lượng từ 1,7 - 2 kg và bắt đầu xuất chuồng.

“Trên cơ sở kiến thức được học tại các lớp tập huấn do Hội Nông dân xã phối hợp tổ chức, quá trình chăn nuôi gà VietGAP tôi tuân thủ các biện pháp kỹ thuật. Nhờ vậy, gà chưa xảy ra dịch bệnh, phát triển nhanh.

Giá gà dịp tết Nguyên đán vừa qua bình quân 100 nghìn đồng/kg hơi. Nhờ nuôi gà theo kỹ thuật mới, gia đình tôi có nguồn thu nhập tương đối tốt”, bà Tịnh cho biết.

Nhiều năm trước, gia đình ông Ngô Đình Chiến ở thôn Tân Mỹ chăn nuôi bò thả rông với quy mô nhỏ từ 2 - 3 con. Do không có vốn đầu tư, thiếu kiến thức kỹ thuật nên hiệu quả chăn nuôi bò của gia đình không cao.

Năm 2022, thực hiện kế hoạch của UBND xã về xây dựng một số mô hình kinh tế điểm để hội viên nông dân học tập, gia đình ông được Hội Nông dân xã lựa chọn, đề xuất với chính quyền địa phương hỗ trợ 100 triệu đồng xây dựng mô hình nuôi bò thâm canh, sinh sản.

Cùng với nguồn vốn được hỗ trợ, ông vay mượn thêm 100 triệu đồng nữa để đầu tư 10 con bò zêbu sinh sản; mở rộng chuồng trại để nuôi nhốt; trồng 5 sào cỏ voi làm thức ăn cho đàn vật nuôi.

Ông còn được tham gia lớp tập huấn chăn nuôi bò lai do Hội Nông dân xã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức. Sau gần 1 năm chuyển đổi sang mô hình chăn nuôi mới, đàn bò của gia đình ông phát triển lên 19 con.

Ông Chiến chia sẻ: “Ở vùng tôi sống, chăn nuôi bò phù hợp, nếu biết cách chăm sóc, phòng bệnh cho vật nuôi, bò sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn các loại con nuôi khác. Hiện tại, trong số đàn bò, tôi thử nghiệm nuôi 5 con bò theo phương thức khép kín.

Sau một thời gian có kinh nghiệm và hiệu quả tôi sẽ mở rộng theo cách nuôi này. Hy vọng với cách chăn nuôi mới, gia đình tôi sẽ có thêm nguồn thu nhập tốt hơn, vươn lên làm giàu chính đáng”.

Toàn xã Hải Lệ hiện có 5.102 nhân khẩu/1.292 hộ dân, trong đó hội viên nông dân chiếm 70%. Thực hiện phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, Hội Nông dân xã chỉ đạo, tuyên truyền, vận động hội viên tích cực thực hiện chủ trương cơ cấu lại ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu theo hướng thâm canh sản xuất quy mô lớn, sản phẩm sạch, chất lượng cao, mang tính bền vững.

Tư vấn, giới thiệu những giống cây trồng, vật nuôi mới có giá trị kinh tế cao; tổ chức tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, ứng dụng công nghệ sinh học, dạy nghề, xây dựng các mô hình vườn mẫu.

Tín chấp cho nông dân vay vốn, mua sắm máy móc nhằm cơ giới hóa nông nghiệp. Hướng dẫn, vận động hội viên xây dựng các tổ, hội nghề nghiệp. Phối hợp với các ban, ngành triển khai các chương trình, đề án phát triển kinh tế.

Bên cạnh đó, đề xuất với UBND xã chia đất rừng cho hội viên nông dân sản xuất, trồng trọt; xây dựng một số mô hình kinh tế để hội viên nông dân học tập như: 4 mô hình nuôi bò thâm canh, sinh sản với tổng vốn 800 triệu đồng, trong đó nhà nước hỗ trợ 400 triệu đồng; 3 mô hình trồng cây ăn quả tổng vốn 64 triệu đồng; hỗ trợ mô hình nuôi cá nước ngọt kích cỡ lớn, chất lượng cao với số tiền 20 triệu đồng; hỗ trợ mô hình sản xuất lúa chất lượng cao bao tiêu sản phẩm 15 triệu đồng; hỗ trợ mô hình nuôi gà VietGAP 20 triệu đồng.

Ngoài ra, các mô hình kinh tế như: nuôi hươu lấy nhung ở thôn Tích Tường; nuôi ong lấy mật ở thôn Tân Mỹ; nuôi lươn thương phẩm ở Tích Tường, cá chình lồng ở thôn Tân Lập; nuôi thỏ ở thôn Như Lệ; nuôi gà thả vườn, mô hình chuyển đổi sắn STB1 ở Như Lệ mang lại hiệu quả cao...

Từ phong trào đã xuất hiện ngày càng nhiều nông dân đạt danh hiệu hộ sản xuất, kinh doanh giỏi; nhiều mô hình sản xuất mới, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động ở địa phương.

Hội Nông dân xã còn thực hiện tốt chương trình giảm nghèo bằng nhiều hình thức thiết thực như: giúp đỡ các hộ khó khăn, hộ nghèo về khoa học kỹ thuật, kiến thức, kinh nghiệm sản xuất kinh doanh, hướng dẫn xuất khẩu lao động. Từ năm 2018 - 2023 toàn xã có 23 hộ vươn lên thoát nghèo, trong đó hội viên nông dân 14 hộ.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Hải Lệ Bùi Thưởng cho biết: “Thời gian tới, hội tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả của phong trào, tạo điều kiện để các hộ nông dân phát triển sản xuất, khai thác lợi thế tiềm năng đất đai, lao động ở địa phương, ứng dụng khoa học kỹ thuật, phát triển ngành nghề, kinh doanh, dịch vụ để nâng cao thu nhập làm giàu và giảm nghèo bền vững.

Tăng cường cơ giới hoá trong nông nghiệp, tiếp tục thực hiện công tác hoán đổi đất, hình thành vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa, sản xuất các loại nông sản có chất lượng, có năng lực cạnh tranh.

Đẩy mạnh phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ để tạo việc làm, xuất khẩu lao động, chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn.

Vận động nông dân ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo”, tham gia các hoạt động giảm nghèo, nhất là phát huy tinh thần “tương thân tương ái”, ủng hộ giúp đỡ về giống, vật tư, tiền, ngày công.

Tăng cường liên kết với các đơn vị, các doanh nghiệp... giúp hội viên nông dân nâng cao quy mô sản xuất và xây dựng các mô hình kinh tế tập thể, hợp tác, liên kết sản xuất, kinh doanh.

Tổ chức các hoạt động dịch vụ, tư vấn, dạy nghề, xuất khẩu lao động, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất”.

Kô Kăn Sương

Nguồn tin: baoquangtri.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM THỊ XÃ QUẢNG TRỊ, TỈNH QUẢNG TRỊ

MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM THỊ XÃ QUẢNG TRỊ, TỈNH QUẢNG TRỊ Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thị xã Kế thừa vai trò lịch sử của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, lãnh đạo, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam...

Thăm dò ý kiến

Vỉa hè, lòng đường: 1) Không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường; 2) Không tập kết rác, đổ hóa chất độc hại và nước thải tùy tiện; 3) Không treo, đặt, để biển hiệu quảng cáo trái phép; 4) Không đun, nấu, đốt trên vỉa hè, lòng đường;

Tin xem nhiều
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây